Nhận thức được tầm quan trọng của tiêm an toàn, từ thực trạng công tác quản lý chất lượng của bệnh viện và nhu cầu của người dân trên địa bàn, bệnh viện đa khoa Văn yên đã triển khai dự án cải thiện an toàn tiêm. Sau hai tháng triển khai đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.
Các điều dưỡng khoa Nội - Truyền nhiễm thực hiện đầy đủ quy trình mũi tiêm an toàn cho bệnh nhân. Tiêm truyền là quy trình phổ biến nhất và liên quan đến hầu hết các khoa phòng và nhân viên y tế trong bệnh viện. Trung bình một điều dưỡng thực hiện khoảng 10 mũi tiêm truyền mỗi ngày. Riêng một điều dưỡng khoa Y học cổ truyền có thể thực hiện 200 mũi kim xuyên qua da mỗi ngày. Tiêm truyền thường do điều dưỡng thực hiện theo chỉ định của Bác sỹ. Tiêm truyền liên quan đến việc cung ứng thuốc và vật tư của khoa Dược. Tiêm truyền liên quan đến công tác tiệt trùng, bông gạc, quy định vô trùng và quy trình quản lý chất thải y tế cảu Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Tiêm an toàn là mũi tiêm có sử dụng phương tiện tiêm vô khuẩn, phù hợp với mục đích, không gây hại cho người được tiêm, không gây nguy cơ phơi nhiễm cho người thực hiện tiêm và không gây chất thải nguy hại cho người khác.
Tiêm không an toàn hiện nay đang là vấn đề phổ biến. Theo khảo sát của Bộ Y tế, khoảng 80% số mũi tiêm không an toàn cho người bệnh, hoặc cho nhân viên y tế, hoặc cho cộng đồng. Qua điều tra thực trạng tại Bệnh viện đa khoa Văn Yên trong việc thực hiện tiêm truyền thấy rằng các khoa chưa đảm bảo thực hiện theo quy trình chuẩn. Cụ thể chưa đảm bảo vô trùng được thể hiện qua việc điều dưỡng chưa rửa tay thường quy, chưa thực hiện việc đội mũ và đeo khẩu trang khi tiêm, sát khuẩn tại chỗ tiêm chưa đảm bảo, thực hiện quy trình tiêm chưa đảm bảo vô khuẩn. Chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật tiêm như dùng một kim lấy thuốc để pha thuốc và rút thuốc nhiều lần, lưu kim lấy thuốc trên lọ thuốc, hoặc pha tất cả thuốc kháng sinh ngay tại phòng tiêm sau đó mới đi tiêm. Tiêm thuốc chưa đúng giờ theo chỉ định… Cắt giảm các bước của quy trình tiêm như không có dây ga rô trong tiêm truyền tĩnh mạch, khi lấy thuốc vào bơm tiêm không thực hiện tại chỗ mà cầm bơm kim tiêm đã có thuốc đi với khoảng cách xa để tiêm cho người bệnh. Cùng với đó là việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải không an toàn dễ gây tổn thương cho cán bộ y tế và người thu gom chất thải.
Qua kết quả khảo sát quy trình tiêm tại bốn khoa của bệnh viện đa khoa Văn Yên cho thấy, tỷ lệ mũi tiêm an toàn còn quá thấp mới đạt 5,7%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhân đông nên việc thực hiện các quy trình bị cắt xén, công tác kiểm tra giám sát không thường xuyên, chủ yếu nhắc nhở, không có biện pháp thưởng phạt nên việc tuân thủ quy trình không được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó những thói quen làm ẩu cũng tạo ra những vấn đề bất lợi trong việc thực hiện các quy trình kỹ thuật.
Trước thực trạng công tác quản lý chất lượng của bệnh viện và nhu cầu của người dân trên địa bàn, được sự hỗ trợ cảu dự án GIZ ( Chương trình hợp tác phát triển Đức ) tháng 11/2012, bệnh viện đa khoa huyện Văn Yên đã triển khai chương trình tiêm an toàn tại bốn khoa đó là khoa Hồì sức cấp cứu- Nhi, khoa Nội – Truyền nhiễm, khoa Ngoại tổng hợp và khoa Sản. Anh Trần Ngọc Hỏa, điều dưỡng trưởng bệnh viện đa khoa Văn Yên cho biết: 100% nhân viên y tế tham gia dự án tiêm an toàn được đào tạo về quy trình tiêm, quy trình thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tiêu huỷ chất thải y tế. Việc giám quy trình tiêm an toàn, quy trình xử lý chất thải y tế và các quy trình liên quan đến tiêm an toàn tại các khoa được giám sát chặt chẽ theo bảng kiểm. Sau bốn tháng triển khai, bước đầu dự án tiêm an toàn đã đạt được kết quả quan, tỷ lệ mũi tiêm an toàn tại bệnh viện đã được nâng lên 40% và phấn đấu nâng lên 50% sau năm tháng thực hiện.
Có thể khẳng định, tiêm truyền an toàn có nhiều lợi ích khi được thực hiện tại các khoa phòng trong bệnh viện, có tính lan tỏa cao, có tính cấp bách liên quan đến công tác khám chữa bệnh. Đảm bảo ba lợi ích đó là an toàn cho người bệnh, bảo vệ cho cán bộ y tế, tăng uy tín cho bệnh viện, góp phần cải tiến chất lượng công tác khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh trên địa bàn huyện./.