Dân số & phát triển

Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Vi phạm chịu mức phạt nào?

Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Vi phạm chịu mức phạt nào?
Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Vi phạm chịu mức phạt nào?

SKĐS – Quan niệm có con trai để “nối dõi tông đường” đã khiến cho số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái, gây mất cân bằng giới tính. Việc lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý mong đợi sự khác biệt về vai trò của con trai và con gái trong mỗi gia đình. Trong nhiều gia đình vẫn tồn tại suy nghĩ, con gái lớn lên sẽ lấy chồng, coi như hết trách nhiệm với gia đình. Còn con trai mới là người lo toan trong nhà, chăm lo bố mẹ khi về già, hương khói tổ tông. Không có con trai coi như không có người nối dõi, tuyệt tự…

Chính vì vậy, không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành thị cũng xuất hiện việc lựa chọn giới tính khi sinh. Không loại trừ khả năng, những gia đình tìm mọi biện pháp để sinh được con trai. Người phụ nữ không chỉ chịu áp lực sinh bằng được con trai mà phải lựa chọn các biện pháo như phá thai khi biết giới tính trẻ. Điều này dẫn đến cơ hội sống của những bé gái vô tình bị tước đi ngay từ trong bụng mẹ cũng như sức khỏe bà mẹ bị suy giảm.

Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Vi phạm chịu mức phạt nào? - Ảnh 1.

Luật sư Hoàng Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho báo chí biết, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nêu rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những nội dung thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội.

 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, Điều 10, Chương I, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh dân số quy định chi tiết nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo đó, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,….; Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Các mức phạt về vi phạm các quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi được quy định như sau:

 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.

 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 3. Hình thức xử phạt bổ sung:

 Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

 Vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi

 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

 3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 a) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;

 b) Cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;

 c) Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

 4. Hình thức xử phạt bổ sung:

 a) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;

 b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

 5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 Buộc tiêu hủy dụng cụ, thuốc, vật tư đã được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Theo Luật sư Hoàng Dương, trên cơ sở xác định rõ các hành vi vi phạm, dựa trên các điều khoản trên, đồng thời, tùy thuộc vào quá trình xem xét, xác minh làm rõ các vấn đề hay tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cơ quan chức năng sẽ ban hành các mức xử phạt tương xứng.

Mỗi người dân cần nắm rõ nhận thức pháp luật và lên án hành vi vi phạm này, trường hợp nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm cần ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý ngăn chặn. Đây là việc làm cần thiết phù hợp với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc cũng như góp phần lành mạnh hóa công tác dân số và đời sống xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *