Hoạt động chuyên môn

Trung tâm Y tế Văn Yên điều trị tích cực case nhiễm trùng nhiễm độc nặng do rắn cắn

Ngày 24/05/2023, khoa Hồi sức Cấp cứu – Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên có tiếp nhận người bệnh G.A.Đ, sinh năm 2002, địa chỉ tại thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, vào viện trong tình trạng chân trái sưng tấy, phù nền lan tỏa từ bàn chân trái lên đến đùi trái, xuất huyết dưới da toàn bộ chân trái.
Theo lời kể của mẹ người bệnh, cách vào viện 4 ngày Người bệnh bị rắn không rõ loại cắn, theo mô tả hình dạng rắn nghĩ nhiều là loại rắn lục khô mộc, (tên khác: rắn lục Malaysia, rắn chàm quạp lửa, chàm quạp tượng…) Sau khi bị rắn cắn gia đình đã không đưa người bệnh đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị ở nhà bằng cách đắp thuốc nam lên vị trí rắn cắn. Sau 4 ngày đắp thuốc nam, người bệnh có biểu hiện sốt cao, sưng nề bàn chân trái sau đó lan lên toàn bộ đùi trái. Lúc này gia đình mới đưa người bệnh đến khoa Hồi sức cấp cứu – Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên điểu trị thì đã xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, sưng nề toàn bộ chân trái, môi khô, lưỡi bẩn…biểu hiện tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng.
Đây tiếp tục là trường hợp mắc phải một trong những sai lầm lớn nhất trong sơ cứu người bệnh bị rắn cắn, đó là áp dụng các phương pháp dân gian chưa có cơ sở khoa học để điều trị. Phương pháp này đã được cảnh báo người dân không được áp dụng. Do bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị, khi nọc độc đã gây ảnh hưởng nặng nề dẫn đến các cơ quan, gia đình mới đến cơ sở y tế thì việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Qua đây bác sĩ khuyến cáo người dân nếu không may bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể, sau đó phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Các bước sơ cứu đúng khi bị rắn cắn bao gồm:
– Động viên bệnh nhân bình tĩnh và hạn chế cử động.
– Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim để làm chậm mức độ hấp thu độc tố.
– Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý (nếu có).
– Bất động chân, tay bị rắn cắn (bằng vải hoặc nẹp) để làm chậm sự xâm nhập của nọc độc (Đặc biệt cần băng ép bất động khi bị các loại rắn độc cắn như rắn hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia… để làm chậm sự xuất hiện của triệu chứng liệt).
– Dùng một miếng gạc hoặc vải khô và sạch để băng kín vùng bị cắn
– Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tại các cơ sở y tế chuyên khoa: Đối với những trường hợp nặng do bị rắn độc cắn cần được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu tốt nhất trong 4 giờ đầu, sau 12 giờ hiệu quả sẽ giảm. Do vậy sau khi bị rắn cắn người dân không nên cố tìm cách bắt rắn làm lãng phí thời gian vàng trong điều trị, mà nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của chúng hoặc chụp lại ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn để có thể mô tả với bác sĩ hỗ trợ việc điều trị.
                                                                                                                                             BS. Việt – Khoa HSCC-Nhi