1. GIÀ HÓA DÂN SỐ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN
Thực trạng già hoá dân số ở Nhật Bản.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB (2011) cho thấy, châu Á là khu vực đối mặt với tình trạng già hoá dân số nhanh khi bước vào thế kỷ XXI, tương tự như những gì đã diễn ra ở châu Âu khoảng 1 thế kỷ trước. Trong số các quốc gia ở châu Á, Nhật Bản – một quốc gia phát triển – đã và đang đối mặt với các vấn đề bắt nguồn từ tình trạng già hoá dân số. Theo báo cáo của cơ quan thống kê Nhật Bản (2022), phân bố dân số Nhật Bản năm 1950 có hình dạng chuẩn của một kim tự tháp, với phần đế tháp khá rộng. Tuy nhiên, tháp dân số của Nhật Bản đã thay đổi nhanh chóng, bởi sự sụt giảm của cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Năm 2021, tổng dân số Nhật Bản là 125,5 triệu người, xếp hạng thứ 11 về quy mô dân số của thế giới, nhưng quy mô dân số đã giảm so với đỉnh 128 triệu người của năm 2010.
Năm 2020, tỷ lệ người già (trên 65 tuổi) của Nhật Bản đã ở mức 28,6% so với mức 11,4% của năm 1950, cao hơn mức 16,6% của Mỹ (10% ở năm 1970), 20,3% của Thuỵ điển (10,2% ở năm 1955), 20,8% của Pháp (11,4% ở năm 1955), 21,7% của Đức (10% ở năm 1955). Quy mô dân số già (từ 65 tuổi trở lên) của Nhật Bản năm 2021 đã là 36,21 triệu người, chiếm 28,9% tổng dân số, tức là cứ 4 người dân Nhật Bản, có 1 người cao tuổi, lập kỷ lục về tỷ lệ người cao tuổi.
Theo dự báo của cơ quan thống kê Nhẩt Bản, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số Nhật Bản sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030, 35,4% vào năm 2040, 37,7% vào năm 2050 và sẽ ở mức 38,1% vào năm 2060.
Hiện tại, tuy tốc độ già hoá dân số ở Châu Âu không diễn ra nhanh như ở Nhật Bản, nhưng các quốc gia châu Âu cũng đã và đang đối mặt với thách thức phát triển của già hoá dân số. Năm 2020, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 20% tổng dân số của Châu Âu.
Một số vấn đề phát triển do tình trạng già hoá dân số gây ra.
Thứ nhất, nguồn cung lao động thiếu hụt.
Các quốc gia bước vào tình trạng già hoá dân số đã và đang đối mặt với sự thiếu hụt lực lượng lao động. Năm 1987, lực lượng lao động của Nhật Bản đã đạt đỉnh với dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64) là 87 triệu người. Kể từ sau 1987, quy mô lao động của Nhật Bản đã thể hiện rõ xu hướng đi xuống (quy mô dân số Nhật Bản đã đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2010 và kể từ sau 2010 bắt đầu xu hướng đi xuống).
Trong bối cảnh già hoá dân số, không chỉ Nhật Bản mà nhiều quốc gia khác ở Châu Á cũng như ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý… đều đối mặt với sự thiếu hụt lực lượng lao động. Sự suy giảm tổng tỷ suất sinh (TFR) khiến cho lực lượng lao động giảm dần theo thời gian, và có độ trễ nhất định từ khi suy giảm tổng tỷ suất sinh đến khi nền kinh tế bắt đầu chứng kiến sự suy giảm của lực lượng lao động. Chẳng hạn, sau khi tổng tỷ suất sinh đạt đỉnh vào những năm 1950 và đi xuống, lực lượng lao động của Nhật Bản mới đạt đỉnh vào những năm 1980 và đi xuống kể từ đó. Thực tiễn đó cho thấy, các quốc gia trên thế giới cần theo dõi, giám sát chặt trẽ sự thay đổi của tổng tỷ suất sinh.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong cơ cấu dân số của Nhật Bản đã giảm từ mức đỉnh 69,7% năm 1990 xuống còn 59,4% năm 2021 và dự báo giảm mạnh xuống còn 51,6% năm 2060, Điều đó có nghĩa là, quy mô lực lượng lao động của Nhật Bản năm 2060 sẽ chỉ tương đương với 75% quy mô lực lượng lao động của Nhật Bản ở những năm 1990.
Năm 2012, lực lượng lao động của vùng lãnh thổ Đài Loan là 6,29 triệu người. Đến năm 2020, lực lượng lao động đã giảm khoảng 90.000 người, xuống còn 6,2 triệu người. Vùng lãnh thổ này hiện có khoảng 3,7 triệu người có độ tuổi từ 65 trở lên, chiếm 16,07% tổng dân số. Dự kiến, đến năm 2070, tỷ lệ dân số già của vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ lên đến 41,6% tổng dân số.
Điều tương tự cũng đã và đang diễn ra ở một số các quốc gia thuộc châu Á và châu Âu. Lực lượng lao động của Hàn Quốc được dự báo giảm từ mức 71,7% năm 2020 xuống còn 49,2% năm 2060. Tương ứng với các mốc thời gian 2020 và 2060, lực lượng lao động Đức dự báo giảm từ mức 64,4% xuống còn 55,4%; Pháp sẽ giảm từ mức 61,6% xuống còn 56,3%; Mỹ giảm từ 65% xuống còn 59,7%.
Đáng chú ý, trong nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), lực lượng lao động của Brazil dự báo sẽ giảm từ mức 69,7% năm 2020 xuống còn 59,3% năm 2060. Tương ứng với các mốc thời gian này, lực lượng lao động của Ấn Độ dự báo sẽ giảm từ mức 67,3% xuống còn 65,8%; Nga từ mức 66,1% xuống còn 58,1%; Trung Quốc từ mức 70,3% xuống còn 56,2%.
Lực lượng lao động là một trong những yếu tố then chốt giúp các chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển. Tình trạng già hoá dân số đã và đang khiến cho vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động ngày một trầm trọng hơn. Điều này đặt các chính phủ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nguồn lực lao động bổ sung, đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển. Khác với những thập kỷ trước, toàn cầu hoá khiến vấn đề thiếu hụt cung lao động trở thành vấn đề toàn cầu. Một số quốc gia Đông Âu đã và đang chứng kiến sự di chuyển của lực lượng lao động sang các quốc gia như Đức, Pháp, Ý nhằm tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn tại nơi đang thiếu hụt lực lượng lao động. Nói cách khác, sự thiếu hụt về lực lượng lao động ở một nhóm quốc gia sẽ được san sẻ cho một nhóm quốc gia khác, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hoá.
Thứ hai, gánh nặng đối với các chương trình an sinh xã hội.
Gánh nặng đối với các chương trình an sinh xã hội tăng lên cùng với quá trình già hoá dân số. Như các báo cáo đã chỉ rõ, già hoá dân số là kết quả của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển, ở đó, bên cạnh sự suy giảm của tổng tỷ suất sinh còn là sự gia tăng tuổi thọ bình quân của con người. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã cho thấy những thay đổi tích cực liên quan đến tuổi thọ bình quân người Việt Nam trong những năm qua.
Tuy nhiên, già hoá dân số có những tác động, trở thành gánh nặng đối với chương trình an sinh xã hội vì những lý do sau: 1) Giảm nguồn thu, do lực lượng lao động suy giảm, dẫn đến những đóng góp của người làm việc trực tiếp giảm xuống; 2) Tăng chi cho các chương trình an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu gia tăng do số lượng người già tăng lên.
Đặc biệt, trong bối cảnh năng suất không được cải thiện, gánh nặng của già hoá dân số đối với các chương trình an sinh xã hội sẽ tăng cao; hay chất lượng cuộc sống của người già không được cải thiện cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao, tạo áp lực lên các chương trình an sinh xã hội.
2. KINH NGHIỆM CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ VỚI GIÀ HÓA DÂN SỐ VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM
Khuyến khích các gia đình trẻ sinh con.
Nhiều quốc gia đã và đang triển khai hệ thống các chính sách nhằm khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh con. Hệ thống các giải pháp đó bao gồm: 1) Hỗ trợ về tài chính một lần cho các gia đình khi sinh con; 2) Hỗ trợ y tế chăm sóc sức khoẻ bà mẹ; 3) Tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của các gia đình trong vấn đề sinh con và nuôi dưỡng con cái. Một số quốc gia còn đưa ra chính sách hỗ trợ một phần chi phí học tập cho các gia đình trẻ khi con cái đến tuổi đi học tiểu học; một số thành phố đưa ra chính sách chăm sóc y tế miễn phí cho trẻ em đến trên 7 tuổi, bao gồm cả các chi phí liên quan đến nha khoa.
Tuy nhiên, có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến các gia đình trẻ, và do đó, hiệu quả của hệ thống chính sách ở nhiều quốc gia còn hạn chế. Thứ nhất, sự thay đổi nhận thức của giới trẻ ngày nay về việc sinh con và về số con trong một gia đình là cả một quá trình lâu dài, được củng cố qua nhiều thế hệ, và độ trễ giữa đỉnh của của tỷ lệ sinh, do đó, khó có thể kỳ vọng tất cả vào các chính sách tuyên truyền. Chính bởi vậy, việc theo dõi tổng tỷ suất sinh qua các năm là một nhiệm vụ quan trọng, bởi theo nhiều chuyên gia, khi tổng tỷ suất sinh giảm dưới một ngưỡng nhất định, khó có chính sách nào có thể đảo ngược được tình trạng sinh đẻ suy giảm đó. Thứ hai, đó là gánh nặng ngân sách tài trợ cho các chương trình này trong bối cảnh lực lượng lao động suy giảm và những đóng góp từ thuế – bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp – suy giảm. Đặc biệt, với các quốc gia áp dụng cơ chế thu thuế thu nhập cá nhân cả ở cấp trung ương và cấp địa phương, gánh nặng thuế đối với lực lượng lao động có thể gây ra những tác động tiêu cực, khiến các lao động nói chung và lao động có kỹ năng (có thu nhập cao) sẽ tìm đến những thành phố mới, thậm chí là quốc gia mới có mức thuế thấp hơn để sinh sống và làm việc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc di chuyển lao động thuận lợi khiến cho việc áp đặt các thuế suất thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách, từ đó đảm bảo chi ngân sách cho các chương trình trở nên khó khăn hơn.
Khuyến khích sự tham gia của một bộ phận dân cư vào các hoạt động kinh tế – xã hội.
Đa số các quốc gia, đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động, đã và đang nới rộng thời gian làm việc, bằng cách quy định tuổi về hưu muộn hơn so với trước đây. Đặc biệt, trong những ngành lao động trí óc, thời gian làm việc có thể kéo dài hơn. Ở một số quốc gia, tuổi về hưu của lao động trí thức có thể lên đến 70 tuổi.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều tranh luận về việc kéo dài thời gian trong độ tuổi lao động ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong một số ngành có tính độc hại hoặc đòi hỏi cường độ lao động cao.
Tại một số quốc gia, do đặc điểm văn hoá quy định, một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động nữ đã từng không tham gia vào thị trường lao động. Chẳng hạn như Nhật Bản, việc khuyến khích lao động nữ tham gia làm việc chính thức, thay vì làm việc bán thời gian, tận dụng những khoảng thời gian không dành cho chăm sóc gia đình, đã được áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề công bằng giữa các lao động theo giới, cũng như vấn đề đào tạo để lao động nữ ở Nhật Bản có thể tham gia các công việc của các doanh nghiệp như các lao động nam.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp và đào tạo nghề.
Thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề do già hoá dân số đã ảnh hưởng đến khả năng duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng khó lường của các dịch bệnh, nhiều quốc gia đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ rô-bốt vào các hoạt động sản xuất, nhằm giảm nhu cầu sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ rô-bốt cũng có tính hai mặt, bên cạnh khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do già hoá dân số gây ra, thì lại tạo ra những áp lực giải quyết lao động thất nghiệp, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, trong đó có Việt Nam. Một bộ phận của lực lượng lao động phổ thông không được đào tạo và không được trang bị các kỹ năng, năng lực để tham gia vào các nhà máy có công nghệ tự động, hoặc tham gia vào các ngành lao động khác. Bởi vậy, song song với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ rô-bốt vào sản xuất, cần có các chính sách hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề hoặc các chính sách giúp người lao động nâng cao được năng suất để nâng cao thu nhập của bản thân và gia đình.
Năng suất là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển; giúp người lao động có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống cá nhân và gia đình. Một số nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu so sánh giữa các quốc gia và nghiên cứu về Việt Nam, đã khuyến nghị cần có sự theo dõi về lao động việc làm, sử dụng chỉ báo lao động có năng suất. Bởi đây là yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng của tăng trưởng trong bối cảnh già hoá dân số, dịch bệnh và cách mạng công nghiệp đang thay đổi hoạt động kinh tế – xã hội.
Khuyến khích lao động nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, một số quốc gia và cộng đồng kinh tế đã có những chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề, có kỹ năng, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của mỗi nền kinh tế. Các quốc gia thuộc khu vực ASEAN cũng đã có sự đồng thuận trong việc cho người lao động thuộc 8 ngành cụ thể di chuyển thuận lợi, tìm kiếm cơ hội việc làm ở các quốc gia khác. Nhật Bản đã kết hợp giữa việc thu hút lưu học sinh đến nước này du học, đồng thời tạo điều kiện (có giới hạn về thời gian) cho các du học sinh tham gia vào thị trường lao động. Một số quốc gia khác cũng có các chính sách thu hút lao động nước ngoài hoạt động trong những ngành cụ thể, trong đó có dịch vụ hộ lý – vừa đáp ứng nhu cầu lao động, vừa kết hợp với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người già.
Mặc dù các chính sách đó có những tác dụng nhất định, nhưng một số báo cáo cũng cho thấy những vấn đề phát sinh như xung đột văn hoá giữa lao động nhập cư với lao động bản địa, vấn đề bất đồng ngôn ngữ… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, môi trường làm việc, đến năng suất lao động và hiệu quả.
Phát triển khu vực kinh tế bạc (Silver Economy).
Khu vực kinh tế bạc là hệ thống các ngành sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người già. Ở các nền kinh tế có xu hướng già hoá dân số, với sự gia tăng của người già, khu vực kinh tế bạc được đánh giá là có tiềm năng lớn, bởi sức tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ của khu vực này. Báo cáo của nhiều chuyên gia cho thấy, nếu coi khu vực kinh tế bạc của EU là một nền kinh tế thì đó là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Theo dự báo, khu vực kinh tế bạc của EU có tốc độ tăng trưởng bình quân 5% mỗi năm và đến năm 2025, quy mô của khu vực kinh tế bạc EU sẽ đạt 5,7 nghìn tỷ Euro.
Việc khuyến khích phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu văn hoá và chăm sóc sức khoẻ của người già (trên 50 tuổi) được xem là một trong những chính sách vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm được các mục tiêu chăm sóc người già trong bối cảnh ứng phó với tình trạng già hoá dân số và thiếu hụt lao động của nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, tiềm năng của khu vực kinh tế bạc dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có năng suất lao động và thu nhập của người lao động. Với các quốc gia phát triển, lao động có năng suất cao giúp cho người lao động khi về già có một khoản tiết kiệm đáng kể, có thể chi trả được các khoản chi phí mua sắm hàng hoá, dịch vụ, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ văn hoá, giải trí. Đây là thách thức lớn đối với các nền kinh tế chưa đạt được trình độ phát triển nhưng đã rơi vào tình trạng già hoá dân số.
Nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị đối mặt với những thách thức và có cả các cơ hội khi bắt đầu xu hướng già hoá dân số, dù chưa trở thành một nước công nghiệp. Những nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh việc triển khai các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đất nước, Chính phủ cũng cần chú ý theo dõi và chuẩn bị các chính sách ứng phó khi nền kinh tế nằm trong giai đoạn già hoá dân số với tốc độ nhanh. Bên cạnh một số gợi ý chính sách rút ra từ các kết quả nghiên cứu, cần tiếp tục khuyến khích việc nghiên cứu về vấn đề này trong tương lai, giúp cho Chính phủ chủ động ứng phó với tình trạng già hoá dân số khi nó ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam./.
TS. PHÍ VĨNH TƯỜNG
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới